BÀI 4 : CÁC LỆNH VẼ CƠ BẢN TRONG AUTOCAD TIẾP THEO
( PHẦN 2)
Ở bài học trước các bạn đã được hướng dẫn cách vẽ đường thẳng, đường tròn, hình chữ nhật, hình elip và hình đa giác. Hôm nay chúng ta tiếp tục làm quen với các lệnh vẽ tiếp theo như vẽ đường cong, vẽ đường đa tuyến, vẽ hình vành khuyên, vẽ hình tô đặc, vẽ đường cong spline...
1. CÁCH VẼ ĐƯỜNG CONG BẰNG LỆNH ARC
(LỆNH GÕ TẮT "A") :
Để vẽ đường cong trong ACAD bạn cần xác định 3 điểm.
- Gõ A rồi enter.
- Specify start point of arc or [Center]: Chọn điểm bắt đầu của đường cong.
- Specify second point of arc or [Center/End]: Chọn điểm thứ 2.
- Specify end point of arc: Chọn điểm kết thúc đường cong.
Với cách vẽ trên thì các bạn chỉ cần bấm chuột trái 3 lần thế là xong, Tuy nhiên có những trường hợp đặc biệt cần vẽ đường cong chính xác theo ý mình thì thay vì dùng lệnh con thì bạn nên dùng lệnh vẽ đường cong Arc trên trình đơn menu sẽ dễ sữ dụng hơn.
. Số 1
: Vẽ đường cong qua 3 điểm bất kỳ.
. Số 2
: Vẽ đường cong qua điểm bắt đầu, tâm và điểm cuối thường dùng để vẽ nét cánh cửa mở trên mặt bằng (chú ý vẽ theo chiều dương mới điều khiển được đường cong).
. Số 3
: Vẽ đường cong qua điểm bắt đầu, tâm và xác định góc quay theo chiều dương.
. Số 4
: Vẽ đường cong qua điểm bắt đầu, tâm và xác định chiều dài đoạn dây cung của đường cong.
. Số 5
: Vẽ đường cong qua điểm bắt đầu, điểm kết thúc và xác định góc quay theo chiều dương.
. Số 6
: Vẽ đường cong qua điểm bắt đầu, điểm kết thúc và xác định chiều hướng của đoạn cong.
. Số 7
:Vẽ đường cong qua điểm bắt đầu, điểm kết thúc và xác định bán kính của đường cong.
. Số 8
: Vẽ đường cong qua điểm tâm, điểm bắt đầu và điểm kết thúc.
. Số 9
: Vẽ đường cong qua điểm tâm, điểm bắt đầu và xác định số đo của góc.
. Số 10
: Vẽ đường cong qua điểm tâm, điểm bắt đầu và xác định chiều dài đoạn dây cung.
. Số 11
: Vẽ đường cong nối tiếp với đoạn cuối của đường cong đã vẽ lần cuối cùng. Lúc này đường cong chỉ vẽ qua 2 điểm là điểm đầu và điểm cuối thôi.
Mời các bạn xem video hướng dẫn cách dùng lệnh arc để vẽ đường cong dưới đây :
2. CÁCH VẼ ĐƯỜNG ĐA TUYẾN BẰNG LỆNH POLYLINE
(LỆNH GÕ TẮT "PL") :
Cách vẽ đường đa tuyến giống y như cách vẽ lệnh line, tuy nhiên lệnh line thì mỗi phân đoạn là một đối tượng, còn trong lệnh Pline này thì tất cả các phân đoạn chỉ là một đối tượng duy nhất và hơn nữa mỗi phân đoạn đều có hình thể khác nhau tùy theo nhu cầu của người sữ dụng như có đoạn vẽ thẳng, có đoạn vẽ cong hoặc có đoạn thì nét dày lên, có đoạn thì chỉ có nét mảnh...Trong lệnh đa tuyến có rất nhiều lệnh con nên mình chỉ liệt kê những lệnh nào mà bạn thường dùng nhất.
- Specify start point: Xác định điểm bắt đầu vẽ đường đa tuyến
- Specify next point or [Arc/Halfwidth/Length/Undo/Width]: Chọn điểm kế tiếp của đường đa tuyến hoặc nhập tọa độ trực tiếp.
- Specify next point or [Arc/Close/Halfwidth/Length/Undo/Width]: Cứ tiếp tục chọn điểm kế tiếp cho đến khi Enter thì kết thúc lệnh.
- Các tùy chọn lệnh con thường dùng :
· Arc : Dùng để vẽ đa tuyến cong. Khi ở tùy chọn này dòng lệnh sẽ như sau :
- Specify endpoint of arc or [Angle/CEnter/CLose/Direction/Halfwidth/Line/Radius/Second pt/Undo/Width]: (Xác định điểm bắt đầu của đường cong).
+ Tùy chọn Direction & Second pt giúp ta điều khiển việc vẽ đường cong sẽ dễ dàng hơn trong quá trình đồ hình ảnh scan vào Acad mà có đường cong).
+ Tùy chọn Line cho ta quay trở lại vẽ đa tuyến thẳng.
· Close : nối điểm vẽ cuối cùng với điểm bắt đầu của đa tuyến.
· Undo : Lùi lại bước vẽ trước đó (có thể lùi nhiều lần được).
· Width : nhập giá trị bề dày nét vẽ. Khi ở tùy chọn này dòng lệnh sẽ như sau :
- Specify starting width <300.0000>: Xác định bề rộng nét bắt đầu.
- Specify ending width <0.0000>: Xác định bề rộng nét kết thúc.
Thông thường thì bề rộng nét bắt đầu & bề rộng nét kết thúc bằng nhau, nếu bề rộng nét bắt đầu bằng một giá trị > 0 và bề rộng nét kết thúc = 0 thì ta vẽ được hình mủi tên. CHÚ Ý : Khi ta nhập giá trị bề dày nét > 0 thì sau này khi ta dùng các lệnh vẽ liên quan đến đường đa tuyến như Pline, Rectangle, Polygon... đều sẽ bị ảnh hưởng đến bề dày nét vẽ này do Acad lưu thông số vào bộ nhớ, do đó muốn trả về mặc định của nét ban đầu thì ta phải nhập lại giá trị bề rộng nét ban đầu và bề rộng nét kết thúc đều = 0.
Mời các bạn xem video hướng dẫn cách dùng lệnh pline để vẽ đường đa tuyến dưới đây :
3. CÁCH VẼ ĐƯỜNG ĐA TUYẾN CONG BẰNG LỆNH SPLINE
(LỆNH GÕ TẮT "SPL") :
Cũng giống như lệnh Polyline nhưng lệnh Spline chỉ chuyên vẽ về đường cong chứ không có vẽ đường thẳng được, tuy nhiên ưu điểm của lệnh này là ta có thể vẽ đường cong khá trơn tru và dễ dàng như các phần mềm đồ họa Corel và Adobe Illustrator và cách hiệu chỉnh nút đường cong cũng giống các phần mềm này.
- Specify first point or [Method/Knots/Object]: Chọn điểm bắt đầu vẽ.
- Enter next point or [start Tangency/toLerance]: Bấm các điểm vẽ kế tiếp (nhớ tắt chế độ Ortho mode bằng cách bấm phím F8 mới điều khiển được đường cong).
- Enter next point or [end Tangency/toLerance/Undo]: Bấm các điểm vẽ kế tiếp…
- Enter next point or [end Tangency/toLerance/Undo/Close]: Khi muốn kết thúc thì gõ Enter.
Các tùy chọn lệnh con ít sữ dụng nên mình không liệt kê ra, nếu các bạn có thắc mắc cứ comment bên dưới mình sẽ giải đáp cho các bạn.
Mời các bạn xem video hướng dẫn cách dùng lệnh spline để vẽ đường cong tự do dưới đây :
4. CÁCH VẼ HÌNH VÀNH KHUYÊN BẰNG LỆNH DONUT
(LỆNH GÕ TẮT "DO") :
Thường người ta dùng lệnh này để vẽ cột bê tông tròn tô đặc hoặc điểm bắt đầu của một bậc tham cấp hoặc vế thang, còn trong kết cấu thì dùng để vẽ mặt cắt của thép.
- Specify inside diameter of donut <0.5000>: 0 (Nhập đường kính trong của hình vành khuyên).
- Specify outside diameter of donut <1.0000>: 100 (Nhập đường kính ngoài của hình vành khuyên).
- Specify center of donut or <exit>: Chọn tâm để đặt hình vành khuyên.
- Specify center of donut or <exit>: Gõ Enter để kết thúc lệnh.
· CHÚ Ý : Khi ta nhập đường kính trong = 0 và đường kính ngoài bằng một giá trị > 0 thì ta sẽ được hình tròn tô đặc (dùng để vẽ cột bê tông tròn).
Mời các bạn xem video hướng dẫn cách dùng lệnh donut để vẽ hình tròn tô đặc dưới đây :
5. CÁCH VẼ HÌNH TÔ ĐẶC BẰNG LỆNH SOLID
(LỆNH GÕ TẮT "SO") :
Thường người ta dùng lệnh này để vẽ cột bê tông vuông hay chữ nhật tô đặc hoặc vẽ đà và sàn trên mặt cắt kiến trúc.
- Specify first point: Chọn điểm bắt đầu.
- Specify second point: Chọn điểm thứ 2.
- Specify third point: Chọn điểm thứ 3 (nhớ chọn điểm chéo góc qua góc thứ 2 vì nếu không hình vẽ sẽ không giống như hình vuông tô đặc mà thành hình cái nơ).
- Specify fourth point or <exit>: Chọn điểm thứ 4.
- Specify third point: Gõ Enter.
Mời các bạn xem video hướng dẫn cách dùng lệnh solid để vẽ hình vuông tô đặc dưới đây :
Chúc các bạn thành công !
No comments:
Post a Comment